Mặc dù bất ngờ nhưng đây có vẻ chỉ là bước đệm cho những chiến lược lớn hơn và dài hơi hơn của “ông lớn” ngành thực phẩm này.
Kế hoạch sử dụng nguồn vốn chục nghìn tỷ
Nếu thương vụ hợp tác với Mondelēz International với giao dịch 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo được thông qua tại ĐHCĐ diễn ra vào ngày 01/12, KDC sẽ thu về gần 8.000 tỷ đồng. Cùng với lượng tiền mặt gần 3.000 tỷ, KDC đang có trong tay nguồn lực tài chính đủ mạnh.
Theo nguồn tin từ KDC, Ban lãnh đạo đã có kế hoạch cụ thể để sử dụng nguồn vốn này. Về mặt chiến lược, KDC sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành hàng thiết yếu, mở rộng danh mục sản phẩm để có thể phục vụ cho nhiều người tiêu dùng hơn, trong đó mỗi người tiêu dùng sẽ sử dụng nhiều sản phẩm của Kinh Đô.
Về mặt thực thi chiến lược, KDC sẽ thông qua hoạt động M&A, đầu tư, hợp tác và liên doanh, liên kết. Theo đó, công ty này sẽ chi khoảng 10% số tiền đang có cho ba mảng: dầu ăn, mì gói và kem.
Vào tháng 11.2014, KDC đã đệ tờ trình nâng tỷ lệ sở hữu của KDC tại Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex) từ 24% lên 51%. Nếu nắm quyền kiểm soát Vocarimex, KDC sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trong nước vì đây là doanh nghiệp có vị trí quan trọng trên thị trường dầu thực vật. Phần còn lại sẽ đầu tư phát triển ngành kem – mảng kinh doanh đóng góp khoảng 10% doanh thu hiện tại của Tập đoàn và ngành hàng hoàn toàn mới: mì ăn liền.
Các kế hoạch vừa kể trên sẽ được HĐQT của KDC trình đại hội để được thông qua.Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa tiết lộ thêm về kế hoạch sử dụng 90% số vốn còn lại.
Bước chân đầu tiên: đổ bộ vào thị trường mì gói
Cuối tháng 11.2014, Kinh Đô đã làm cho người tiêu dùng và đối thủ bất ngờ khi chỉ sau hai ngày cuối tuần, các sản phẩm mì Đại Gia Đình Ki Do của công ty đã phủ các kệ hàng trong các điểm bán lẻ.
Thị trường miền Bắc là nơi đầu tiên chứng kiến cuộc đổ bộ này của mì ăn liền Ki Do. Vài ngày sau đó, Đại Gia Đình cũng xuất hiện tại các điểm bán ở khu vực miền Nam.